Quá trình sử dụng Địa đạo Vịnh Mốc

Cuộc sống trong địa đạo

Tấm bảng tưởng niệm lớn tại bảo tàng địa đạo Vịnh MốcDu khách ở địa đạo Vịnh Mốc

Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt vào mùa đông, nóng bức vào mùa hạ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên hầu như đa số cư dân địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương, mắt. Cuộc sống đưới lòng đất không phù hợp với con người, luôn thiếu ánh sáng. Hầu hết các làng hầm đều tiết kiệm các chất liệu thắp sáng như dầu hoả, mỡ, chỉ những lúc cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... mới dùng đèn. Ngoài ra, thiếu thốn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất đối với cư dân địa đạo.

Cuộc sống bình thường đã tồn tại suốt nhiều năm trong lòng đất với đầy đủ khái niệm của sự sống như học hành, vui chơi, giải trí, yêu thương, sinh con[4]... trong một khoảng không gian 1,8 m của đường hầm.

Để an toàn duy trì nòi giống, để có người nối dõi, các gia đình, họ tộc, cư dân địa đạo Vịnh Mốc phải chia ra sống ở nhiều hầm khác nhau[4]. Trong thời gian sống trong địa đạo ở Vĩnh Linh nói chung, đã có 60 đứa trẻ được sinh ra, riêng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời trong lòng địa đạo[5]. Ðịa đạo là nơi ở của nhân dân trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, trong lòng địa đạo không một người nào bị thương và đã có 17 em bé chào đời, đủ nói lên giá trị và ý nghĩa của địa đạo Vịnh Mốc[3]. Có nhiều căn hầm được tạo ra để làm phòng hộ sinh và nhà nuôi dạy trẻ[5].

Thương vong

Trong thực tế chiến tranh ác liệt, nhiều hệ thống địa đạo không đủ kiên cố, khó đáp ứng được yêu cầu trú trực, chiến đấu một cách an toàn cho dân chúng vùng giới tuyến, đã có không ít tổn thất về nhân mạng. Điển hình là sự kiện vào ngày 26 tháng 2 năm 1967, địa đạo Đơn Duệ (Vĩnh Hoà) bị bom Mỹ đánh sập, làm 4 người chết; ngày 20 tháng 6 năm 1967, địa đạo Tân Lý (ở Vĩnh Quang) bị sập, làm 61 người chết; ngày 27 tháng 7 năm 1967, địa đạo Xóm Bợc (ở Vĩnh Thạch) bị sập đã có 22 người chết, địa đạo Bình Minh (ở Vĩnh Hiền) sập ngày 10 tháng 9 năm 1967 làm chết 39 người[6]... Rút kinh nghiệm đó, địa đạo Vĩnh Mốc được bố trí kiên cố và hợp lý hơn, nên không có tổn thất về người trong chiến tranh.